'Ông lớn' muốn độc quyền bán gạo: Lỗ ngàn tỷ vẫn giữ?
Độc quyền, trì trệ
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không cho thương nhân xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung cho đến khi hai tổng công ty lương thực (Vinafood 1 và Vinafood 2) kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.
Căn cứ để VFA đưa ra đề nghị nói trên là khoản 1, điều 15 của Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31-12-2010 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, “thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian quy định tại khoản 2 điều này, trừ trường hợp được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại khoản 3 điều này”.
|
VFA đang được trao quá nhiều quyền. Ảnh minh họa |
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, động thái này là minh chứng rõ ràng cho vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo của VFA.
"Chủ trương của Chính phủ hiện nay là hạn chế chuyện độc quyền của Vinafood 1, Vinafood 2, VFA, bãi bỏ các thủ tục rườm rà để khích lệ các doanh nghiệp có điều kiện, có gạo tốt, thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài.
Thế nhưng VFA lại muốn làm theo kiểu cũ, vin vào cái cũ để hưởng lợi. Đáng lý ra những cái gì cởi trói được thì phải cởi, đằng này VFA lấy cớ chưa thay đổi quy định trước đây để áp dụng quy định cũ, trói buộc doanh nghiệp, tức là muốn cho sự trì trệ kéo dài. Điều đó không thể chấp nhận được.
Quá trình tiến bộ xã hội cần bước tiến nhanh. Ví dụ, các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo mà các công ty kinh doanh trong nước có điều kiện thì cho họ xuất để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.
Khi nhiều doanh nghiệp xuất được nhiều lúa gạo sẽ khích lệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho người nông dân phấn khởi sản xuất. Khi ấy, vị thế của hạt gạo Việt Nam ngày càng đứng vững trên thị trường thế giới", PGS.TS Dương Văn Chín phân tích.
Bởi thế, một lần nữa ông nhấn mạnh, cách hành xử của VFA càng tăng thêm vị thế độc quyền cho hiệp hội này, cản trở quá trình phát triển của công nghiệp lúa gạo Việt Nam, không phù hợp với xu thế mới và chủ trương chung của Chính phủ.
Vị chuyên gia về nông nghiệp cũng chỉ rõ, từ trước tới nay Vinafood 1 và Vinafood 2 được trao quá nhiều quyền, được giao đàm phán hợp đồng tập trung nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, bỏ giá thấp, điều kiện giao hàng không thuận lợi.
"Trước nay, hai tổng công ty lương thực dựa vào hợp tác giữa chính phủ - chính phủ để xuất khẩu gạo với khối lượng lớn. Họ chỉ cần bán với giá 300-400 USD/tấn, mỗi tấn lời khoảng 10 USD chẳng hạn, với khối lượng gạo xuất khẩu lên tới cả triệu tấn, cái lời của họ là rất lớn.
Đã thế cách ấy lại rất dễ làm, họ chỉ cần bán gạo phẩm cấp thấp, trộn nhiều loại gạo với nhau, không cần phải tính phức tạp, rắc rối tách ra từng loại gạo bán giá 700-800 USD/tấn.
Kiểu xuất khẩu gạo như thế đang làm méo mó chuỗi giá trị lúa gạo. Làm như vậy không bao giờ cải tiến được ngành lúa gạo Việt Nam.
Phải cho nhiều công ty tham gia xuất khẩu, mỗi công ty có thể bán cho một thị trường khối lượng gạo nhất định với giá 800-900 USD/tấn. Nhiều công ty làm được chuyện đó thì tổng giá trị xuất khẩu gạo sẽ được 3-4 tỷ USD, còn bán giá rẻ mãi, bán với số lượng lớn không bao giờ được nhiều tiền", ông Chín nói.
Bớt quyền VFA, cổ phần hóa DNNN
Trước đề xuất xóa bỏ hai tổng công ty lương thực, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng điều này vẫn đang bàn. Tuy nhiên, cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 1, Vinafood 2, để cho kinh tế thị trường điều tiết.
"Hai tổng công ty làm lỗ ngàn tỷ mà sao cứ giữ hoài? Khi cổ phần hóa, các công ty thành viên sẽ tự nỗ lực, tự tìm thị trường và bán.
Còn đối với VFA, phải giảm bớt quyền của đơn vị này. VFA không thể quyết định việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA chỉ nên là một hội ngành nghề đúng nghĩa", PGS.TS Dương Văn Chín thẳng thắn.
Theo vị chuyên gia, hiện nay nhiều nước nhập khẩu gạo cũng muốn tư nhân tham gia vào việc mua bán gạo nhiều hơn. Chẳng hạn như Philippines không muốn đi theo các hợp đồng kiểu chính phủ-chính phủ mãi bởi nó làm nảy sinh tiêu cực, khó kiểm soát được. Họ muốn nhiều tư nhân tham gia mua bán gạo để tìm được những đối tác phù hợp và nhập khẩu với giá hợp lý, chất lượng gạo đảm bảo.
"Xu hướng tư nhân hóa ngày càng phát triển, còn doanh nghiệp nhà nước thì cứ chờ, không muốn sửa đổi cải tiến, cứ vịn vào cái cũ để hưởng lợi từ cái cũ. Điều đó nên sửa đổi sớm", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
Link: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ong-lon-muon-doc-quyen-ban-gao-lo-ngan-ty-van-giu-3337631/